Thông báo của HĐ ngành Toán, Quỹ Nafosted

Đăng bởi   Lượt xem:  44248 

Việc thành lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) đã thực sự thúc đẩy sự phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam, trong đó có ngành Toán học. Với mong muốn đẩy mạnh quá trình hội nhập nền toán học của các nước phát triển và dựa trên yêu cầu nâng cao chất lượng của Nafosted, Hội đồng Khoa học ngành Toán xin lưu ý các nhóm đăng ký đề tài của Quỹ một số điểm sau đây:
A) Một số lưu ý từ quy định chung của Quỹ
Để làm rõ hơn một số hướng dẫn của Quỹ, chúng tôi xin tóm tắt ở đây một số điểm lưu ý, dù rằng không đầy đủ. Những lưu ý này được tổng hợp trên sự hiểu biết của một số thành viên Hội đồng ngành thông qua kinh nghiệm hoạt động của Quỹ, nhưng hoàn toàn nằm trong qui định của Quỹ NAFOSTED.
Trước hết là việc đăng kí: Việc đăng kí đề tài được thực hiện theo từng đợt, trước đây mỗi năm một đợt, nhưng từ năm 2016 mỗi năm hai đợt. Khi đăng kí, nếu đề tài trước đó chưa được nghiệm thu thì dựa trên năng lực của nhóm, thuyết minh và ý kiến phản biện, Hội đồng ngành vẫn có thể ủng hộ đề tài mới đó của nhóm. Tuy nhiên nếu đến phiên họp Quỹ xem xét ra quyết định cuối cùng mà đề tài cũ vẫn chưa được nghiệm thu, thì đề tài mới không được duyệt. Kết quả của Hội đồng ngành đối với đề tài mới này sẽ không còn giá trị và không được bảo lưu cho đợt xét sau.
Như vậy, nếu đến đợt đăng kí đề tài mới, mà chủ nhiệm đề tài chưa có thông báo chính thức của Quỹ về đề tài đăng kí trước đó, thì phải đăng kí mới (chứ không phải đăng kí lại).
Khi đăng kí: Với mục tiêu bớt giấy tờ, Quỹ chỉ yêu cầu gửi 1-2 bài báo của chủ nhiệm đề tài trong hồ sơ để làm minh chứng. Tuy nhiên, khi Hội đồng họp xét, Hội đồng cần có các minh chứng để chứng cho thành tích nghiên cứu của các thành viên của nhóm (đặc biệt cho ứng viên chủ trì đề tài) trong 5 năm gần nhất để xếp hạng đề tài và tư vấn cho Quỹ phân bổ kinh phí. Do đó việc tải lên mạng (upload) đầy đủ các bài báo đã đăng trên tạp chí (chứ không phải bản soạn thảo của cá nhân) vào lý lịch khoa học của từng thành viên ở trang chủ của NAFOSTED là hết sức cần thiết. Hiện tại, ở trang chủ, nhiều người hiểu việc upload chỉ là cung cấp minh chứng nên không upload đầy đủ, và do đó rất dễ bị thiệt.
Chú ý rằng Quỹ chỉ tài trợ người có thời gian làm việc trong nước trên 6 tháng. Điều đó có nghĩa là ai đi công tác nước ngoài từ 6 tháng trở lên trong một năm, thì năm đó không được nhận kinh phí, nhưng bài báo của người đó vẫn được dùng làm sản phẩm nghiệm thu (nếu có ghi nhận sự tài trợ của đề tài).
Quá trình xét duyệt: Sau khi đóng nhận hồ sơ, Quỹ sẽ trực tiếp tiến hành mời phản biện (có thể dựa trên tư vấn của Hội đồng ngành, nhưng cũng có thể theo kênh riêng). Vì vậy các ủy viên Hội đồng cũng không được biết thông tin. Số lượng phản biện từ 2-3 cho một đề tài. Một đề tài đương nhiên bị loại nếu không có đủ sự ủng hộ cần thiết của phản biện. Quy định cụ thể có thể thay đổi. Trước đây Quỹ qui định cứ có 1 ý kiến bác bỏ của phản biện là bị loại. Trong năm 2015 qui định lại, nếu có trên 50% ý kiến bác bỏ của phản biện là bị loại.
Xét duyệt tại Hội đồng ngành: Đến thời gian xét, Quỹ mời các thành viên Hội đồng ngành họp tập trung xét duyệt các đề tài đăng kí. Khi đó Quỹ mới cung cấp các ý kiến phản biện và các thông tin khác. Thành viên Hội đồng không được đánh giá đề tài do mình tham gia. Thành viên Hội đồng cũng không được xem xét đề tài do người cùng cơ quan hoặc là thầy, cô, trò của mình làm chủ nhiệm. Các thành viên Hội đồng không được trao đổi hoặc thông báo kết quả của phiên họp cho bất cứ ai khi chưa có thông báo chính thức từ Quỹ.
Sản phẩm nghiệm thu: Bắt đầu từ năm 2016, một số bài báo đăng ở tạp chí hàng đầu có thể được tính hệ số 2. Ngược lại, một số bài tuy đăng ở tạp chí ISI, nhưng loại thấp, thì vẫn không được tính là sản phẩm. Ngoài ra, còn có một yêu cầu nữa là đề tài phải có bài báo đăng ở tạp chí quốc gia có uy tín – và không được thay thế bằng bài báo quốc tế (cho dù là ISI). Những qui định cụ thể về các loại tạp chí này được đăng tải trên trang web của Quỹ, nên mọi người cần theo dõi thường xuyên để có được thông tin cập nhật.

B) Một số lu ý riêng của Hội đồng ngành Toán
Quy định xếp tài trợ cho cán bộ chủ chốt: Cán bộ chủ chốt của đề tài bao gồm chủ nhiệm đề tài, thư kí khoa học và thành viên nghiên cứu chủ chốt.
Tùy theo thành tích công bố trong 5 năm gần nhất của cán bộ chủ chốt, nếu đề tài có được từ 50% ý kiến phản biện thông qua, Hội đồng sẽ xem xét để tư vấn Quỹ có tài trợ không, và nếu có thì xếp hạng cũng như tư vấn số kinh phí tài trợ để Quỹ quyết đinh.
Cơ sở xem xét là các bài báo đã công bố, nhưng không tính bài báo trên tạp chí khi đăng phải nộp phí xuất bản (Open access). Chú ý rằng điều này khác với việc mua quyền Open access để cho độc giả có thể tự do tải bài của mình để sử dụng – một việc mà nhiều tạp chí hiện nay đang thực thi – nhằm tăng lượng trích dẫn hoặc tăng sự quảng bá kiến thức.
Điểm bài báo được chia đều cho số tác giả. Bài báo trên tạp chí SCI được tính tối đa 2 điểm, bài SCIE được tính tối đa 1,5 điểm và bài trên tạp chí quốc tế ngoài ISI được tính tối đa 1 điểm. Vì tạp chí SCI, SCIE có thể thay đổi hàng năm nên việc tính điểm dựa theo danh sách tạp chí SCI, SCIE vào năm bài báo được công bố. Riêng hai tạp chí của Việt Nam là Acta Mathematica Vietnamica và Vietnam Journal of Matehmatics sẽ được tính 1.5 điểm.
Hội đồng chỉ xem xét những đề tài mà chủ nhiệm đề tài trong 5 năm cuối có ít nhất 1,5 điểm ISI, trong đó điểm SCI dương. Chỉ có những cán bộ được ít nhất 0,5 điểm, trong đó điểm ISI dương thì mới được xếp làm thành viên nghiên cứu chủ chốt và/hoặc thư kí khoa học.
Quy định xếp tài trợ cho nghiên cứu sinh và kĩ thuật viên:
- Nghiên cứu sinh được tài trợ nếu đến thời điểm nhóm nộp hồ sơ vẫn còn thời hạn học tập, do chủ nhiệm đề tài hoặc một thành viên đề tài hướng dẫn. Không khuyến khích nghiên cứu sinh công bố bài báo trên tạp chí có chính sách thu phí xuất bản (open access). Số lượng nghiên cứu sinh được đề nghị tài trợ phụ thuộc vào năng lực nghiên cứu của Chủ nhiệm đề tài và thành viên nghiên cứu chủ chốt, nhưng tối đa chỉ chấp nhận tài trợ 3 nghiên cứu sinh.
- Đề tài có từ 3 thành viên được tài trợ trở lên (không tính kĩ thuật viên) và năng lực nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài tốt, thì được tài trợ nhiều nhất 1 kĩ thuật viên.
Một số quy định khác
- Hội đồng ngành không khuyến khích đề tài chỉ có 1 thành viên.
- Không khuyến khích đề tài mà chủ nhiệm chưa có quyết định cấp bằng tiến sĩ. Nếu đề tài chỉ có Chủ nhiệm đề tài là tiến sỹ thì chỉ được đề nghị tài trợ khi chủ nhiệm có thành tích nghiên cứu xuất sắc.
- Khi xét duyệt, nếu phát hiện thành viên đề tài nào có bài báo từ năm 2014 trở về sau đăng trên những tạp chí mà khi đăng phải nộp phí xuất bản (Open access) – cho dù những bài đó không được liệt kê trong lí lịch hay thuyết minh đề tài- thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn trong quá trình chấm điểm của các ủy viên Hội đồng ngành cho thành viên đó.