One-day workshop "Differential Equations and Dynamical Systems: Qualitative Theory, Control, and Applications"

Thời gian: 08:15 đến 16:30 Ngày 16/10/2019

Địa điểm: C2-714, VIASM

Thông tin chi tiết xem tại đây


THÔNG TIN TOÁN HỌC, Tập 23 Số 3 (2019)

Ngô Văn Lược, Phát triển nghiên cứu ứng dụng của Phòng Phương pháp Toán Lý, Viện Toán học
Peter Hilton, Một chuyến thăm Việt Nam

Nguyễn Đặng Hồ Hải dịch

Đào Phương Bắc, Về một số công trình của Akshay Venkatesh

Tạ Ngọc Ánh, Tiểu sử Paul Erdős (1913-1996)

Nguyễn Duy Thái Sơn, Hai phiên bản rời rạc của  định lý giá trị trung gian
Colin Adams, Cơn sốt vàng

Nguyễn Đăng Hợp phỏng dịch


LỊCH XÉT HỒ SƠ VÀ PHỎNG VẤN CỦA HỘI ĐỒNG CDGS NGÀNH TOÁN

Thư kí HĐGS Ngành Toán đã gửi e-mail báo các ứng viên kế hoạch làm việc của HĐ ngành. Tuy nhiên, đề phòng e-mail thất lạc, xin nhắc lại như sau:

21/9/2019: Họp hội đồng thẩm định các hồ sơ.

 

Chiều muộn: Thông báo danh sách các ứng viên được mời phỏng vấn.

 

Chú ý: Danh sách này chỉ được xác định vào cuối ngày 21/9/2019, nên ứng viên ở xa cần tính tất cả các khả năng có thể xảy ra và cân nhắc thời điểm dự định ra Hà Nội trước khi được thông báo.

22/9/2019 và dự phòng thêm ngày 23/9/2019: Phỏng vấn.

  • Thời gian: Các ứng viên tập trung lúc 8h20 ngày 22/9/2019.
  • Địa điểm: Nhà A6, Viện Toán học - Viện HLKHCN Việt Nam, Số 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.


Lịch phỏng vấn: các ứng viên GS được mời phỏng vấn trước; sau đó là các ứng viên PGS. Thứ tự trong từng nhóm đều theo vần a, b, c.

 

Chú ý: Ứng viên PGS ở xa Hà Nội nếu được mời phỏng vấn, nên đặt vé về vào cuối ngày 23/9/2019, phòng khi lượt phỏng vấn của mình bị lùi sang ngày dự phòng.

Thường trực HĐCDGS Ngành Toán

 


Về vấn đề trình bày báo cáo khoa học tổng quan


Về vấn đề trình bày báo cáo khoa học tổng quan

Lê Tuấn Hoa (Viện Toán học)

Đây là năm thứ 10 tôi được tham gia Hội đồng Giáo sư Ngành Toán học. Qua 9 đợt xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư tại Hội đồng Giáo sư ngành, cũng như một số đợt tại Hội đồng giáo sư cơ sở, tôi thấy khá nhiều trường hợp ứng viên còn lúng túng với việc viết và trình bày báo cáo khoa học tổng quan.  Bởi vậy tôi chợt nghĩ cần viết một bài trao đổi kinh nghiệm với các ứng viên. Dĩ nhiên đây là quan điểm cá nhân, đúc rút từ nhận xét cá nhân qua các trải nghiệm, chứ hoàn toàn không phải là một bản hướng dẫn hay chỉ dẫn nào cả.

Trước hết, để viết và trình bày tốt báo cáo, ít nhất phải hiểu các điểm sau đây:

-                 Mục đích của báo cáo là gì?

-                 Đối tượng đọc và nghe là ai?

-                 Thời gian để đọc, trình bày/nghe và thảo luận là bao nhiêu?

Rõ ràng, dù có qui định hay không, thì mục đích của báo cáo khoa học tổng quan là để người đọc/nghe  nắm được những đóng góp khoa học của mình. Đóng góp đó hoàn toàn không chỉ gói gọn trong công việc nghiên cứu, mà còn các hoạt động khác như đào tạo, tham gia tổ chức các hội nghị hội thảo, phản biện cho các tạp chí, tham gia công tác ở cơ quan, hội chuyên ngành, quảng bá ngành Toán, … Qua đó phải làm sao để nêu bật được những điểm nổi trội của bản thân ứng viên. Dù rằng đã có mẫu rõ ràng (Mẫu 03), nhưng khá nhiều ứng viên chỉ chú ý vào phần B.I, thậm chí chỉ viết phần này, và trình bày dưới dạng một bài viết tổng quan khá chuyên sâu về những nghiên cứu của mình. Rõ ràng viết như vậy là không đầy đủ. Mà ngay cả quan niệm viết hẹp như vậy, thì trong nhiều trường hợp, bài viết tổng quan lại chỉ chú tâm phát biểu hàng loạt kết quả chuyên môn của bản thân,  ít hoặc không hề so sánh với kết quả  của đồng nghiệp trong và ngoài nước – làm cho ngay đến chuyên gia trong cùng chuyên ngành hẹp cũng không thấy được rõ nét đóng góp của ứng viên.

Tiếp theo,  đối tượng trước hết  đọc và nghe bản báo cáo đó dĩ nhiên là các ủy viên hội đồng (các cấp), trong đó những người thẩm định sẽ đọc kỹ nhất.  Trong trường hợp tốt nhất, cho dù có cùng chuyên ngành hẹp đi nữa và người thẩm định có biết kỹ về ứng viên đi chăng nữa, thì nhân dịp này người ta cũng muốn biết khả năng/trình độ của ứng viên khi viết tổng quan như thế nào. Đằng này ta phải thấy một thực tế ở tất cả các hội đồng các cấp là số ủy viên có cùng, thậm chí chỉ gần chuyên ngành hẹp là không nhiều. Vậy phải viết/trình bày  thế nào để thuyết phục  được  người ta ủng hộ mình, thông qua hành động cụ thể là viết ý kiến đồng ý vào Phiếu tín nhiệm.  Dĩ nhiên, ủy viên Hội đồng có nhiều cách để nắm được trình độ của ứng viên (một trong những cách đó là thông qua MathSciNet và danh sách các tạp chí có uy tín trên thế giới) – cho nên không thể kết luận hồ đồ rằng do Hội đồng không gần gũi về chuyên ngành với ứng viên, nên có đánh giá không chính xác.

Cuối cùng (nhưng không phải là tất cả) là thời gian để đọc và nghe báo cáo. Người thẩm định có thể dành thời gian 2-4h (đại trà), nhiều hơn nữa là 1-2 ngày (khá hiếm) để đọc một báo cáo tổng quan. Ủy viên không được phân công thẩm định đương nhiên chỉ dành 1-2h để đọc báo cáo tổng quan đó. Còn khi nghe ứng viên thuyết trình, thì không thể kéo dài lê thê cả buổi như khi nghe báo cáo seminar. Không chỉ vì số lượng ứng viên nhiều, mà ngay cả tại Hội đồng cơ sở của Viện Toán - ủy viên toàn cùng ngành, và có năm chỉ có một ứng viên, thì vì thành phần nghe đa dạng như vừa nêu ở trên, nên thời gian nghe trình bày cũng không kéo dài. Với phân biệt như vậy, ta có thể thấy ngay,không thể viết báo cáo khoa học tổng quan như một bài viết tổng quan khá chuyên sâu về những nghiên cứu của mình.Khi trình bày phải rất cô đọng, ngắn hơn nhiều lần so với bản viết.Thậm chí không thể tham lam nêu hết các kết quả chính của mình, vì nhiều khi chưa kịp trình bày đến phần mình cho là tâm đắc nhất thì đã bị cắt! Mà tâm lí của nhiều ứng viên thì thường tham lam, thấy kết quả nào cũng là to cả! Phải làm sao nói ít mà vẫn tương đối đầy đủ, vẫn nêu bật được ưu thế của mình. Dĩ nhiên làm được như vậy là rất khó. Nhưng phó giáo sư, giáo sư là tinh hoa – phải làm được cái khó đó. Cho nên phải đầu tư nhiều thời gian, viết đi viết lại nhiều lần, mỗi lần lại gọt dũa thì mới được bản súc tích nhất mà vẫn đầy đủ.

Vậy làm sao viết và  trình bày được một báo cáo khoa học tổng quan đáp ứng các tiêu chí trên? Đây là một nghệ thuật, mỗi người một ý, không thể có một qui định chung. Tuy nhiên có thể có một số gợi ý sau:

-      Phần A: Khi viết thì dễ, vì đã được yêu cầu rõ ở Mẫu A. Khi trình bày, không nên bỏ qua, mà cần nêu nhanh (khoảng 1 phút), nhưng rõ ràng tên, tuổi, đơn vị công tác, nơi và năm học đại học, nơi và năm bảo vệ TS + thầy hướng dẫn (nếu là nhà toán học có tiếng, hoặc làm trong nước), chuyên ngành được đào tạo. Chú ý ngay từ phần này phải bình tĩnh, nói rõ ràng, tạo tâm lí thoải mái và sự tự tin.

-      Phần B.I: Bài viết và thuyết trình phải làm sao thật “tổng quan”. Không đi vào quá chi tiết, nhưng lại tránh nói suông, kiểu “vấn đề quan trọng”, “kết quả được đồng nghiệp đánh giá cao”. Như vậy phải nêu được bài toán/vấn đề mình theo đuổi – đặc biệt là những bài toán/vấn đề có kết quả trong một loạt bài báo của mình; những khó khăn cần giải quyết; kết quả của người khác và đóng góp chính của mình. Cố gắng nêu được khái quát các khái niệm, kết quả của mình. Khi cần có thể nêu một số định lí cụ thể, nhưng dưới dạng khái quát, càng tránh được công thức cồng kềnh càng tốt. Chẳng hạn thay vì nêu tường minh Định lí A với 10 điều kiện tương đương để một phương trình (vi-tích phân) có nghiệm, chỉ cần nói Định lí A: Đưa ra các (hoặc 10) điều kiện tương đương để  phương trình (cụ thể) nào đó có nghiệm, trong đó có điều kiện thông qua một khái niệm (độc đáo) nào đó. Nếu có bài báo nào đó được đăng ở tạp chí rất tốt, hoặc được trích dẫn nhiều, hoặc được ai đó nổi tiếng sử dụng, thì cần khéo léo nêu ra, nhưng không cần nêu nhiều. Đặc biệt, khi trình bày không cần nhấn mạnh tạp chí đó là SCI hay SCI-E, vì sau khi nghiên cứu hồ sơ, Hội đồng đã nắm rất vững ứng viên có bao nhiêu bài đăng ở SCI/ SCI-E, nhưng rất có thể ai đó không nắm được tạp chí đó tốt đến mức độ nào.

-      Các phần còn lại của B, C: nêu thật tóm tắt (không quá 1 phút). Đặc biệt không cần khoe hướng dẫn quá nhiều luận văn thạc sĩ, vì có khi càng nhiều, càng bị đánh giá thấp.

-      Để kiểm tra luôn trình độ viết và giao tiếp bằng Tiếng Anh chuyên ngành, bản chiếu cũng như nói khi trình bày phải bằng Tiếng Anh.

Bài viết thì cần đầy đủ, trình bày tuần tự, nhưng khi báo cáo cần bố trí theo dạng xoắn ốc, nghĩa là nhanh chóng nêu tóm tắtđược công việc của mình, và khi còn thời gian thì nói tiếp, sâu hơn. Làm được như vậy thì khi bị ngắt giữa chừng, ứng viên cũng đã kịp nêu được những ý mình cần quảng bá! Còn nếu chưa bị ngắt thì vẫn còn “tủ” để nói, chứ không phải đến đó thì im luôn. Khi Hội đồng đã cảm thấy đủ thông tin để dánh giá ứng viên thì sẽ yêu cầu dừng báo cáo. Vì vậy thời gian báo cáo ngắn hay dài hoàn toàn không nói được việc trình bày hay hồ sơ tốt hay xấu.

Chú ý rằng số phiếu không chỉ là một trong những tiêu chuẩn, mà nhiều khi là tiêu chuẩn quan trọng nhất trong việc công nhận đạt tiêu chuẩn GS/PGS của ứng viên. Nhiều người sau khi được vào vòng phỏng vấn (tức đạt các tiêu chuẩn khác), nhưng đến lúc bỏ phiếu không đạt lại than vãn hoặc kiện là “Tôi đã đủ tất cả các tiêu chuẩn, tại sao bị đánh trượt?” Thực ra ý kiến đó không chính xác vì vẫn thiếu một tiêu chuẩn (quan trọng nhất). Tiêu chuẩn đó dĩ nhiên là tổng hợp của ý kiến chủ quan, và trong một số trường hợp nó không thật sự khách quan, nhưng không thể tránh được (và xảy ra ở mọi nơi trên thế giới). Tôi hoàn toàn không muốn tranh luận về tính hợp lý của tiêu chuẩn này, nhưng có thể khẳng định: Việc trình bày báo cáo tốt hay không tốt có ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả bỏ phiếu, tới tiêu chuẩn quan trọng nhất. Vậy nên các ứng viên nên đầu tư thích đáng thời gian và tâm trí vào việc này!!!


Lịch họp của Hội đồng Giáo sư Ngành Toán

  1. Phân người thẩm định hồ sơ ứng viên: họp qua e-mail, và hoàn thành trước 30/8/2019.
  2. Phiên họp đánh giá và kết luận hồ sơ ứng viên: ngày 21/9/2019 tại Viện Toán học.
  3. Phiên họp phỏng vấn ứng viên và Phiên họp bỏ phiếu tín nhiệm đối với ứng viên dự vòng phỏng vấn: ngày 22/9/2019 tại Viện Toán học.

Ngày dự trữ: 23/9/2019.

 

Danh sách các tạp chí được tính điểm:  xem

http://hdgsnn.gov.vn/tin-tuc/quyet-dinh-so-29-qd-hdgsnn-ngay-10-thang-07-nam-2019-phe-duyet-danh-muc-tap-chi-khoa-hoc-duoc-tinh-diem-2019_506/

(Quyết định số: 29/QĐ-HĐGSNN ngày 10 tháng 07 năm 2019 phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm 2019)